Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Bộ Xây dựng đề nghị giảm tiêu chí giải ngân gói 30.000 tỷ

Bộ Xây dựng cho rằng, các tiêu chí của nhà băng đang ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, tồn kho bất động sản đã giảm 17% so với tháng 3/2013, còn khoảng 106.000 tỷ đồng (chung cư, nhà ở đã xây xong). Riêng tồn kho ở dự án đã đầu tư hạ tầng dở dang còn rất nhiều, đồng nghĩa với vốn “chôn” trong bất động sản còn rất lớn. Theo Bộ trưởng Dũng, phải tháo khu vực này, mới tăng được tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Tồn kho bất động sản hiện đã giảm 17% so với cuối quý I. Ảnh: Hoàng Lan

Ông Dũng đề nghị cần tiếp tục khắc phục sự lệch pha cung - cầu khi mà sản phẩm cao cấp nhiều nhưng không có người mua còn sản phẩm ở phân khúc nhỏ và trung bình thanh khoản tốt, thậm chí đang thiếu. Các địa phương vì thế cần tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển nhà thương mại sang nhà ở xã hội vì có cầu, đồng thời có nguồn vốn 30.000 tỷ tín dụng hỗ trợ cho vay.

Đại diện ngành xây dựng cũng cho rằng, gói này phải được giải ngân kịp thời đề đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp. “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm bớt yêu cầu, tiêu chí mà nó ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ giải ngân”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhận định nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường trong đó có cả gói 30.000 tỷ còn chậm đi vào cuộc sống.

 

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân vay mua nhà được tung ra từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, đến tháng 6, Bộ Xây dựng mới có văn bản hướng dẫn về đối tượng được vay để 5 nhà băng được chỉ định áp dụng. Theo đó, những khách hàng mua nhà xã hội hoặc nhà thương mại nhưng có diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng có cơ hội được vay. Bên cạnh đó, người vay phải xin địa phương xác nhận là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc diện tích sử dụng bình quân dưới 8 m2 một người.  

Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ đã nhiều lần ra văn bản hướng dẫn, trong đó có việc đề nghị các địa phương  tạo điều kiện trong việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, việc giải ngân gói hỗ trợ vẫn không mấy khả quan. Trong một cuộc họp gần đây, lãnh đạo bộ đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự thiếu nguồn cung căn hộ giá rẻ. Do đó, cơ quan này đã đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc chuyển đối công năng các dự án từ nhà thương mại sang xã hội, tăng nguồn cung cho người dân lựa chọn.  

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 167 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô gần 19.000 căn, 32 dự án khác cũng đang tiếp tục thực hiện với quy mô gần 20.000 căn.

Theo cập nhật gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8, đối với khách hàng cá nhân, 5 ngân hàng đã cam kết cho vay 331 trường hợp với số tiền là hơn 105 tỷ đồng. Trong đó, có 305 khách hàng đã được giải ngân với số tiền là 69,4 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, 3 khách hàng được cam kết cho vay với số tiền hon 700 tỷ đồng.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Lợi hại nhà đất mua trả góp

Kéo dãn tiến độ thanh toán là một trong những chiêu thức giúp một số dự án mua bán nhà đất thu hút khách hàng thời gian vừa qua, song giới trong ngành cho rằng phương thức này không phải không có những rủi ro cho chủ đầu tư.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE Vietnam, nhận định thay vì giảm giá bán trực tiếp, nhiều chủ đầu tư áp dụng phương thức thanh toán linh hoạt cho, kéo dài vài năm không lãi suất. Chiêu thức này đã giúp nhiều dự án nhà đất bán được hàng thời gian vừa qua.
Bên cạnh giá cả, nhiều dự án đang cạnh tranh nhau bằng cách đưa phương thức thanh toán ngày càng dài hơn nhằm giảm bớt áp lực thanh toán cho khách hàng.
Chẳng hạn như Novaland đang thu hút người mua nhà đến dự án căn hộ Sunrise City - Central Towers tại quận 7 với phương thức thanh toán kéo dài đến 50 tháng, mỗi tháng người mua thanh toán khoảng 32 triệu đồng.
Công ty này cũng áp dụng giải pháp tài chính tương tư cho dự án Tropic Garden tại quận 2, theo đó người mua chỉ thanh toán 20% giá trị căn hộ khi ký hợp đồng, phần còn lại trả trong vòng 48 tháng, mỗi tháng 27,5 triệu đồng.
Cũng tại khu vực này, các dự án nha dat như Imperia An Phú, The Estella và một số dự án khác đang rất linh hoạt tiến độ thanh toán cho khách hàng từ 2 – 5 năm, không lãi suất.
Thời gian thanh toán dài nhất tính đến thời điểm này có lẽ thuộc về dự án căn hộ IJC Aroma tại thành phố mới Bình Dương, theo đó người mua căn hộ có đến 96 đợt thanh toán trong vòng tám năm, không lãi suất. 
Không chỉ có căn hộ, các dự án đất nền cũng bắt đầu áp dụng chiêu thức này. Một dự án tại tỉnh Đồng Nai từng đưa ra phương thức thanh toán mỗi tháng chỉ 5 triệu đồng.
Có thể nói vấn đề của thị trường hiện nay là khả năng thanh toán của người mua nhà, và các doanh nghiệp địa ốc đang tập trung khai thác điểm này.
Phó giám đốc một công ty địa ốc cho rằng việc kéo dãn thời gian thanh toán có lợi cho người mua, giúp chủ đầu tư bán được hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư sẽ phải tốn chi phí duy trì đội ngũ nhân viên đi đòi nợ, ngay cả khi đã bán hết sản phẩm.
Hơn nữa, trong tình hình kinh tế khó khăn không có gì đảm bảo người mua có thu nhập ổn định để thanh toán cho dự án trong vài năm. Không loại trừ khả năng người mua hụt hơi giữa chừng, mất khả năng thanh toán và chủ đầu tư sẽ phải giải quyết rắc rối.
Chính vì vậy, theo ông, chưa hẳn kéo càng dài thời gian thanh toán có lợi hơn việc cân nhắc giảm giá bán trực tiếp để thu tiền tươi thóc thật ngay tại thời điểm này.
Nguồn: blog tin tức doanh nghiệp

Cấp giấy tờ nhà đất: Chính phủ quyết liệt gỡ vướng

Sẽ sửa đổi một số chính sách giấy tờ nhà đất theo hướng xem xét cấp giấy chứng nhận cho người dân nếu họ không có lỗi.
“Cần nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan để sớm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho các địa phương” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính cùng các tỉnh, thành vào ngày 9-8. Trước đó, những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã được Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo với Chính phủ.
TP.HCM: 130.000 nhà không đủ điều kiện cấp giấy
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, toàn TP hiện có khoảng 130.000 căn nhà không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành. Trong đó 70% rơi vào các trường hợp không phù hợp quy hoạch, mua bán nhà đất thông qua giấy tay sau ngày 1-7-2004 và xây dựng không phép sau ngày 1-7-2006.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác cấp giấy chứng nhận tại TP gặp khó là vướng mắc về thu tiền sử dụng nha dat. Điển hình là trường hợp giao đất trái thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở trước ngày 15-10-1993. Theo Luật Đất đai 2003, trường hợp này người dân không phải đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức và đóng 50% nếu vượt hạn mức. Tuy nhiên, Nghị định 120/2010 bắt buộc phải đóng 40% theo bảng giá đất của UBND tỉnh quy định với phần diện tích trong hạn mức và 100% theo giá thị trường với phần diện tích ngoài hạn mức.
Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại UBND quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD
Trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm trường hợp là cán bộ, chiến sĩ được Bộ Quốc phòng cấp đất làm nhà trước thời điểm 15-10-1993. Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, họ được yêu cầu đóng tiền sử dụng đất theo Nghị định 120. Theo Sở TN&MT, hầu hết người dân không chịu nộp và phản ứng rất gay gắt vì cho là trái luật.
“Theo Luật Đất đai, những trường hợp nhà tạo lập trước thời điểm trên nếu không có giấy tờ và được chính quyền địa phương xác nhận thì không phải nộp tiền sử dụng đất. Còn ở đây, nhà dân do Bộ Quốc phòng cấp đất đàng hoàng, tức là có giấy tờ hợp pháp thì lại phải đóng tiền mới được cấp giấy là không hợp lý” - đại diện TP.HCM phân tích.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, trước đây UBND TP đã có văn bản xin ý kiến của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, Bộ cho biết phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Cấp giấy nếu không phải lỗi ở người dân
Sau khi nghe báo cáo của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Các bộ TN&MT và Tài chính nghiên cứu sửa đổi một số chính sách theo hướng xem xét cấp giấy chứng nhận cho người dân nếu họ không có lỗi.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao hai bộ trên nghiên cứu sửa đổi một số điều tại các nghị định liên quan đến công tác cấp giấy như Nghị định 84/2007, 120/2010, 23/2013. Ví dụ, liên quan đến chính sách thu tiền sử dụng đất, sửa đổi Điều 4 của Nghị định 84 theo hướng thống nhất việc thu tiền theo bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định; sửa Nghị định 120 theo hướng thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng thống nhất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với cả phần diện tích trong và ngoài hạn mức giao đất ở. Về việc giao đất ở trái thẩm quyền như đã nêu trên thì không thu tiền sử dụng đất với diện tích trong hạn mức và thu 50% theo giá đất của UBND cấp tỉnh quy định với phần vượt hạn mức.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính thông tin: Đã thành lập Ban Soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 120 và dự kiến trình Chính phủ trong quý 4-2013. Tuy nhiên, các tỉnh, thành đều cho rằng như vậy là quá muộn và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy, do đó cần thực hiện theo quy trình rút gọn. Đại diện Bộ Tư pháp cũng ủng hộ ý kiến này.
“Nếu quy trình sửa đổi mất nhiều thời gian thì cho phép thực hiện theo quy trình rút gọn. Thậm chí Chính phủ sẽ ra nghị quyết để các địa phương sớm có cơ sở thực hiện” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận.
Nguồn: blog tin tức doanh nghiệp